-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tăng hiệu quả kinh tế cho cây thạch đen Cao Bằng
Với giá trị kinh tế cao gấp 4 lần cây lúa, lại dễ trồng, dễ chăm sóc và thu hoạch, cây thạch đen đã và đang trở thành cây xóa đói giảm nghèo hữu hiệu cho nông dân ở huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng.
Nông dân xã Trọng Con (Thạch An) chăm sóc, kiểm tra sâu bệnh cho cây thạch đen. Ảnh: Quốc Đạt - TTXVN
Những ngày này, người nông dân huyện Thạch An đang chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch cây thạch đen. Giá bán cây thạch (đã phơi khô) hiện nay là 40.000 đồng/kg, loại chất lượng tốt có thể được giá 80.000 đồng/kg. Dự báo năm nay, thạch đen tiếp tục được giá nên nông dân nơi đây rất vui mừng phấn khởi.
Anh Lý Văn Dương, xóm Nà Lẹng, xã Trọng Con, huyện Thạch An cho biết, gia đình có hơn 5.000 m2 đất trồng cây thạch. Những năm trước đây, giá thạch bấp bênh, đầu ra không ổn định, mỗi năm thu nhập từ 20 -30 triệu đồng nên anh cũng không mấy chú ý đến việc phát triển. Khoảng 3 năm trở lại đây, giá bán thạch tăng nên gia đình anh mỗi năm gia đình anh thu được từ 50 - 60 triệu đồng. Với người nông dân, đây là một khoản thu nhập khá, giúp gia đình anh có đủ kinh phí nuôi con ăn học và mua sắm các vật dụng, phương tiện phục vụ sản xuất, sinh hoạt.
Ông Nông Ngọc Hoàng, Chủ tịch UBND xã Trọng Con cho biết, cây thạch đã và đang góp phần trong việc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho nhân dân trong xã. Vài năm trở lại đây, việc phát triển cây thạch khá thuận lợi. Xã đề ra kế hoạch phát triển 50 ha cây thạch năm 2021 và hiện nay, người dân đã trồng được 83 ha. Cây thạch dễ trồng ở nhiều địa hình khác nhau, có thể trồng dưới ruộng, trên nương, bìa rừng hoặc xen canh với các diện tích trồng rừng khác. Hiện nay, đang có doanh nghiệp đến địa phương đặt vấn đề hợp tác, bao tiêu sản phẩm cho người trồng thạch. Nếu đầu ra cho cây thạch được đảm bảo, giá thạch ổn định thì chắc chắn diện tích trồng thạch của xã sẽ còn tăng cao hơn nữa.
Nông dân xã Trọng Con (Thạch An) thu hoạch cây thạch đen. Ảnh: Quốc Đạt - TTXVN
Ông Vũ Đức Thiện, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạch An cho hay, diện tích trồng cây thạch đen của huyện là trên 420 ha, tập trung nhiều ở các xã: Đức Thông, Canh Tân, Minh Khai, Trọng Con, Quang Trọng, Kim Đồng, Thái Cường, Thụy Hùng.
Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện đang tham mưu cho UBND huyện phối hợp với các đơn vị đối tác nghiên cứu, hoàn chỉnh quy trình kỹ thuật; áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất để đảm bảo từ các khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch, đóng gói, kiểm dịch, bảo quản sản phẩm... Bên cạnh đó, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm giúp cho việc tiêu thụ sản phẩm thuận lợi hơn.
Theo ông Nông Thế Phúc, Chủ tịch UBND huyện Thạch An, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX, nhiệm kỳ 2021 - 2025 tiếp tục xác định cây thạch đen là cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế của huyện Thạch An. Tuy vậy, để phát triển và nâng cao giá trị sản xuất cho cây thạch đen cần rất nhiều việc phải làm; trong đó, quan trọng nhất phải là khâu tìm ra thị trường tiêu thụ ổn định cho sản phẩm.
Hiện nay, thị trường tiêu thụ thạch đen chủ yếu do tư thương thu mua từ các hộ dân về sơ chế qua hệ thống ép cục và xuất sang Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ. Ngoài ra, cũng có một số doanh nghiệp, công ty, hộ gia đình, cá nhân đã tổ chức chế biến cây thạch thành thạch ăn đóng hộp tiêu thụ ở một số tỉnh miền xuôi. Huyện đang kêu gọi các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đầu tư xây dựng nhà máy chế biến bột cây thạch và các cơ sở chế biến sâu sản phẩm từ cây thạch.
Huyện cũng đang triển khai một số hoạt động nhằm xác lập thương hiệu cho sản phẩm thạch đen. Mới đây, Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chứng nhận Thạch đen - Thạch An, cho các sản phẩm liên quan đến thạch đen của huyện Thạch An.
Cây thạch đen có nhiều ứng dụng trong chế biến thực phẩm, đồ uống, mỹ phẩm, dược phẩm. Chất lượng của cây thạch đen ở huyện Thạch An được đánh giá rất cao. Với tiềm năng lợi thế về khí hậu, thổ những rất phù hợp cho cây thạch đen phát triển, cùng với những nỗ lực cố gắng của chính quyền địa phương, tin rằng trong tương lai không xa cây thạch đen sẽ mang lại nhiều giá trị kinh tế hơn nữa, giúp nhân dân huyện miền núi Thạch An xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Quốc Đạt
Các tin khác
- CÔNG DỤNG CỦA OLIGO CHITOSAN
- Phát triển nông nghiệp, nông thôn 2021-2025: Chuyển mạnh sang kinh tế nông nghiệp
- Nông Nghiệp Hữu Cơ - là câu chuyện của những người làm nông nghiệp tử tế
- 10 Lợi Ích Không Ngờ Đến Từ Canh Tác Hữu Cơ
- Nông nghiệp "đa giá trị"
- SỬ DỤNG RONG BIỂN TRONG NÔNG NGHIỆP
- BÍ MẬT CHIẾT XUẤT TẢO BIỂN DÙNG TRONG NÔNG NGHIỆP