TẠI SAO BÓN PHÂN HÓA HỌC LÀM CHO ĐẤT THOÁI HÓA, BẠC MÀU?

Việc sử dụng lâu dài phân hóa học mà không bổ sung các nguồn phân hữu cơ hay việc lạm dụng chúng quá mức nhằm nâng cao năng suất và tạo ra những sản phẩm đẹp mắt đã để lại nhiều hệ lụy cho môi trường và sức khỏe người tiêu dùng và đây là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng thoái hóa đất mà nhiều người vẫn lầm tưởng rằng nó có khả năng cải tạo đất.

http://alfavietnam.vn/public/frontend/uploads/images/tin-tuc/clip_image002_3.jpg

Ảnh minh hoạ Internet

Với sự ra đời của phân bón hóa học, năng suất và sản lượng cây trồng tăng vượt bậc mà minh chứng cụ thể đó là cuộc cách mạng xanh diễn ra vào nữa sau thế kỷ thứ XX. Tuy nhiên việc sử dụng lâu dài phân hóa học mà không bổ sung các nguồn phân hữu cơ hay việc lạm dụng chúng quá mức nhằm nâng cao năng suất và tạo ra những sản phẩm đẹp mắt đã để lại nhiều hệ lụy cho môi trường và sức khỏe người tiêu dùng và đây là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng thoái hóa đất mà nhiều người vẫn lầm tưởng rằng nó có khả năng cải tạo đất.


Phân hóa học là các loại muối khoáng có chứa các chất dinh dưỡng cần thiết cho cây. Các loại phân vô cơ thường dùng là phân đạm, lân, kali, phân hỗn hợp, phân trung lượng, vi lượng và các loại phân bón lá.


Ta biết lượng hấp thu của rễ thực vật tương đối nhỏ và mỗi loài thì có một nhu cầu dinh dưỡng riêng, việc bón quá nhiều phân hoá học sẽ dẫn đến tình trạng “dư thừa” mà thực vật không thể hấp thu hết và chúng lưu lại trong đất, qua phân giải chuyển hoá chúng biến thành những hợp chất gây nguồn ô nhiễm cho mạch nước ngầm và các dòng sông. Cùng với sự tăng lên về số lượng sử dụng phân hoá học, độ sâu và độ rộng thì tình trạng ô nhiễm đất ngày càng nghiêm trọng.
Đối với loại phân đạm vô cơ (N)- một loại phân mang lại hiệu quả rõ rệt nhất cho năng suất cây trồng nhưng cũng dễ gây ô nhiễm cho môi trường đất do tồn dư của nó. Phần lớn nitrat phân bón dư thừa được giữ lại trong đất, chúng ngấm xuống nước ngầm dưới dạng NO3-. Trong môi trường đất, nó làm tăng tính chua vì dạng acid HNO3 rất phổ biến. Ngoài ra, nếu trong sản phẩm có chứa nhiều đạm, nhất là không cân đối thì đạm sẽ chuyển từ NH4-  sang NO3-, khi vào cơ thể người NO3- sẽ chuyển sang dạng NO2-, gây hại cho tim, phổi và gan.


Một dạng phân hóa học khác cũng gây ô nhiễm môi trường đất là phân lân, với lượng lân cao, sẽ gây chua cho môi trường sinh thái đất.Mặt khác các dạng phân hóa học đều là các muối của acid (hoặc là muối kép hoặc là muối đơn). Vì vậy khi hòa tan thường gây chua cho môi trường đất. Trong phân super lân thường có 5% acid tự nhiên. Riêng lượng acid do H2SO4 nào cũng làm cho môi trường đất bị chua thêm. Mặt khác sự tích lũy cao các hóa chất dạng phân bón cũng gây hại cho môi trường sinh thái đất về mặt cơ lí tính. Đất nén chặt độ co trương kém, kết cấu vững chắc, không tơi xốp mà nông dân gọi là đất trở nên chai cứng, tính thông khí kém đi, vi sinh vật ít đi vì hóa chất hủy diệt vi sinh vật.


Bên cạnh đó, các loại phân vô cơ còn chứa một số kim loại nặng, các kim loại này tích lũy trong đất làm đất bị nhiễm độc, đồng thời khi được cây trồng hấp thụ, nó sẽ tích lũy trong sản phẩm. Người và gia súc dùng sản phẩm chứa các kim loại này lâu ngày sẽ bị nhiễm độc.


Phân vô cơ có nhiều tác dụng, là yếu tố cần thiết cho thâm canh tăng năng suất. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải sử dụng đúng kỹ thuật biết kết hợp với các loại phân bón hữu cơ khác nhằm đạt được năng suất cây trồng cao nhất, góp phần làm hạn chế và ngăn ngừa tình trạng đất bị ô nhiễm, thái hóa và bạc màu.

Nguồn: http://www.tinmoitruong.vn