NGUYÊN NHÂN BÓN NHIỀU PHÂN VÔ CƠ LÀM THOÁI HÓA ĐẤT?

 

Việc sử dụng lâu dài phân hóa học mà không bổ sung các nguồn phân hữu cơ hay việc lạm dụng chúng quá mức nhằm nâng cao năng suất và tạo ra những sản phẩm đẹp mắt đã để lại nhiều hệ lụy cho môi trường và sức khỏe người tiêu dùng. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng thoái hóa đất mà nhiều người vẫn lầm tưởng rằng nó có khả năng cải tạo đất.

Bón nhiều phân vô cơ làm thoái hóa đất

Hệ thống sinh thái đất bao gồm hai phần chính sau đây:

1/ Thành phần lý, hoá học: Với hai thành phần quan trọng là keo đất và dung dịch đất.

Quá trình chuyển hoá và trao đổi ion giữa keo đất và dung dịch đất là yếu tố quyết định cho việc cung cấp chất dinh dưỡng dễ tiêu cho cây trồng.

Ngoài ra lý, hoá tính của đất cũng ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tơi xốp, thoáng khí của đất từ đó gián tiếp ảnh hưởng đến thành phần sinh học đất.

2/ Thành phần sinh học: Bao gồm vi sinh vật đất với các chức năng chính là: Ký sinh, cộng sinh, hoại sinh phân giải và tổng hợp khoáng. Ngoài ra, còn có các loại nấm, tuyến trùng, xạ khuẩn, động vật đơn bào, côn trùng, trùn đất và bộ rễ cây trồng.

Dung dịch đất thường rất giàu dinh dưỡng dưới hai dạng: Hoà tan và trao đổi ion, dưới tác dụng của phân vô cơ được sử dụng với liều lượng cao trong một thời gian dài sẽ làm quá trình trao đổi ion và rửa trôi đã đưa vào trong dung dịch đất một số ion gây chua (hydro, sắt, nhôm, sulfat…). Hậu quả là làm thành phần sinh học của đất bị xáo trộn, thành phần loài sinh vật, vi sinh vật đất có khuynh hướng ngày càng nghèo nàn và mất cân bằng.

Quá trình thoái hóa đất do suy giảm hệ thống sinh vật

Quá trình suy thoái về tính đa dạng của thành phần sinh học đất sẽ tác động tiêu cực đến tính chất lý, hoá học của đất. Sự suy giảm của trùn đất và các tập đoàn vi khuẩn giữ các chức năng phân huỷ chất hữu cơ, thúc đẩy quá trình khoáng hoá, mùn hoá, cộng sinh, làm đất ngày càng kém tơi xốp và giảm dung dịch hấp thu dưỡng chất; tính năng thông khí cũng giảm đi, khả năng giữ nước, giữ dinh dưỡng của đất rất kém từ đó làm cho hiệu quả sử dụng phân bón vô cơ ngày càng thấp nên chúng ta phải bón phân vô cơ tăng dần theo từng năm làm cho chi phí sản xuất nông nghiệp tăng.

Bón nhiều phân vô cơ làm thoái hóa đất

Sự nghèo nàn về loài sinh vật và giàu dinh dưỡng dễ tiêu trong một thời gian ngắn thường dẫn đến sự bùng nổ về số lượng của một số loài vi khuẩn, nấm, tuyến trùng, côn trùng hại cây trồng, đặc biệt trong điều kiện sử dụng phối hợp nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật bằng hoá học vào trong đất.

Khi bón phân vô cơ trong nhiều năm sẽ thúc đẩy những tác động qua lại giữa thành phần lý, hoá học và thành phần sinh học trong đất như trên làm cho đất ngày càng có chiều hướng thoái hoá.

Bên cạnh đó, các loại phân vô cơ còn chứa một số kim loại nặng, các kim loại này tích lũy trong đất làm đất bị nhiễm độc, đồng thời khi được cây trồng hấp thụ, nó sẽ tích lũy trong sản phẩm. Người và gia súc dùng sản phẩm chứa các kim loại này lâu ngày sẽ bị nhiễm độc.

Nguồn: https://tincay.com/