Một Số Loại Bệnh Trên Cây Hoa Hồng

I. Phấn trắng hoa hồng - Sphaerotheca pannosa:

1. Triệu chứng

+ Bệnh hại trên lá, thân, cành non, nụ hoa.

+ Trên các bộ phận bị bệnh có một lớp nấm màu trắng bao phủ trên bề mặt trông như bột phấn trắng mịn rắc lên trên.

+ Bệnh làm biến dạng mép lá, cong cuốn, thô, dày, lá nhỏ, chồi ngọn bé, nụ hoa và lá vàng, dễ rụng.

2. Nguyên nhân gây bệnh

+ Nấm Sphaerotheca pannosa thuộc bộ Erysiphales, lớp Nấm túi (Ascomycetes).

+ Nấm phấn trắng là loại nấm ký sinh chuyên tính (ngoại ký sinh) có sợi lan rộng che phủ kín bề mặt mô bệnh tạo vòi hút trong các tế bào cây.

+ Cành bào tử phân sinh mọc thẳng từ sợi nấm, trên đỉnh cành sinh ra từng chuỗi bào tử. Bào tử phân sinh hình trứng, đơn bào, không màu, truyền lan nhờ gió, mưa.

3. Đặc điểm phát sinh phát triển

+ Bệnh phát sinh phát triển thuận lợi ở nhiệt độ 17 - 25 độ C, trong điều kiện có ẩm độ cao hoặc khô hạn bệnh phát triển.

+ Bệnh thường phát sinh vào cuối mùa đông từ tháng 1 đến tháng 5 và phát triển mạnh nhất vào tháng 3 - 4 ở các tỉnh phíâ bắc.

+ Bệnh phá hại nặng trên các giống hoa hồng đỏ Pháp, hoa hồng Đà Lạt ở những chân ruộng trồng độc canh, bón nhiều phân đạm vô cơ.

4. Biện pháp phòng trừ

+ Chăm sóc tốt, phân bón hợp lý, tránh bón nhiều đạm vô cơ, chú ý tỉa cành và lá bệnh, tạo vườn thông thoáng nhiều ánh sáng.

+ Có thể phun thuốc sớm, nhiều lần, để phòng trừ bệnh bằng một số loại thuốc..

 

II. Đốm đen hoa hồng - Marssonina rosae (Lib.) Died:

1. Triệu chứng bệnh

Bệnh phổ biến nhất trên lá, thân cành, đài hoa, tràng hoa.

- Triệu chứng điển hình là các đốm đen hình tròn to, đường kính có khi tới 12mm.

-  Có viền nâu đậm, mép đâm tia, ở giữa vết bệnh có màu nâu xám và nhiều chấm đen nhỏ li ti là những ổ bào tử của nấm gây bệnh. Lá bệnh úa vàng, rụng hàng loạt.

2. Nguyên nhân gây bệnh

- Nấm Marssonina rosae (Lib.) thuộc họ Dermateaceae, bộ Helotiales, lớp Ascomycetes.

- Nấm gây bệnh có sợi nấm đa bào, khi già có màu nâu sinh ra các vòi hút nằm trong tế bào cây để ký sinh.

- Ổ bào tử nằm trên bề mặt mô bệnh trông giống như những chấm đen nhỏ.

- Bào tử hình bầu dục, 2 tế bào, không màu, kích thước 18 – 25 x 5 – 6 micromet

- Nấm có thể sinh trưởng ở phạm vi nhiệt độ 15 – 27 độ. Bào tử nảy mầm xâm nhiễm thuận lợi nhất ở nhiệt độ 18 – 20 độ C, không nảy mầm ở nhiệt độ cao 33 độ. Bào tử nấm truyền lan nhờ gió, nước mưa hoặc bám dính trên côn trùng để truyền đi xa, xâm nhiễm dễ dàng qua vết thương cơ giới.

3. Đặc điểm phát sinh phát triển bệnh

- Bệnh phát sinh phát triển thuận lợi ở nhiệt độ ấm áp 15 – 17 độ, ẩm độ cao 85%, lá ẩm ướt có vết sây sát nhẹ.

- Bệnh phát triển mạnh trên những vườn trồng trũng thấp, ứ đọng nước, nhiều cỏ dại ẩm ướt, kém thông thoáng hoặc ruộng trồng không tỉa cành lá, tưới nước ngập rãnh,...

- Bệnh phá hại nặng trên các giống hoa hồng đế sen Đà Lạt, Thái Lan, hoa hồng đỏ Pháp, và 1 số giống khác.

- Bệnh hại quanh năm nhưng phát triển gây hại mạnh nhất từ tháng 9 đến tháng 12. Cây già 3 năm tuổi bệnh nặng hơn cây 1 – 2 tuổi.

4. Biện pháp phòng trừ

- Chọn lọc trồng một số giống hồng có tính chống chịu bệnh.

- Vệ sinh và chăm sóc tốt vườn trồng: kịp thời tỉa cành, không để cành quá dài, ngắt lá bệnh và dọn sạch để tiêu hủy, tạo cho vườn cây thông thoáng.

- Diệt trừ cỏ dại, khơi rảnh, thoát nước tốt, tránh để đọng nước sau mưa.

- Hạn chế bón quá nhiều đạm, tăng cường bón phân hữu cơ, phân lân và kali.

- Khi bệnh đã phát sinh có thể phun phòng trừ bệnh bằng 1 trong các loại thuốc sau: Score 250ND nồng độ 0,1% hoặc Manage 5WP nồng độ 0,05%; Anvil 5 SC (30 – 50 g ai/ha). Cũng có thể sử dụng Zineb, Daconil, Topsin M nhưng hiệu quả phòng trừ thấp.

III. Gỉ sắt hoa hồng - Phragmidium mucronatum (Pers.) Scholecht:

1. Triệu chứng bệnh

- Bệnh hại trên lá, cành non, hoa quả. Ban đầu vết bệnh nhỏ như mũi kim, hơi vàng, sau đó thành ổ nổi như những chấm nhỏ màu vàng cam hoặc màu nâu đỏ gỉ sắt, phiến lá vàng úa, dễ rụng.

- Các chấm nhỏ nổi phần lớn ở mặt dưới của lá, còn ở mặt trên của lá tương ứng là các đốm nhỏ hơi vàng. Vào thời kỳ cuối đông, trên các ổ gỉ sắt có thể thấy những chấm nhỏ màu nâu đen sẫm đó là các ổ bào tử đông của nấm gây bệnh.

2. Nguyên nhân gây bệnh và đặc điểm phát sinh phát triển bệnh

- Nấm gây bệnh là nấm gỉ sắt (Phragmidium mucronatum (Pers.) Scholecht.).

- Ổ bào tử màu vàng nâu gỉ sắt là giai đoạn hình thành bào tử hạ. Bào tử hạ hình hơi tròn, màu vàng da cam, có gai nhỏ.

- Ổ bào tử đen là giai đoạn bào tử đông. Bào tử đông hình thành vào cuối giai đoạn sinh trưởng trên lá già. Bào tử đông có hình trụ thon dài, trên đỉnh có múp lồi, có nhiều ngăn ngang (5 – 6 ngăn) màu nâu đậm, có cuống dài phình rộng ở gốc cuống.

- Bào tử hạ sinh sản nhiều đợt trong giai đoạn sinh trưởng của cây, truyền lan nhờ gió và nước mưa để tiến hành tái xâm nhiễm nhiều đợt trên cây.

- Bào tử đông: Được sinh ra vào cuối thời kỳ sinh trưởng của cây. Chủ yếu là để bảo tồn nguồn bệnh lâu dài từ năm này qua năm khác. Khi bào tử đông nảy mầm sinh ra đảm và bào tử đảm. Nấm phát triển tốt ở điều kiện nhiệt độ 19 – 27 độ.

- Thời tiết ấm áp, mưa nhiều rất thuận lợi cho bệnh gỉ sắt gây hại.

Bệnh thường phát triển từ tháng 3 đến tháng 6 song bệnh hại nặng nhất vào tháng 4 đến tháng 5.

3. Biện pháp phòng trừ

- Thường xuyên cắt tỉa cành, lá bệnh, dọn vệ sinh đồng ruộng, chú ý bón thêm phân kali, canxi, lân.

- Trong trường hợp cần thiết có thể phun phòng trừ bệnh bằng 1 số loại thuốc sau:

Tilt 300ND (0,2%), Score 300 ND (0,1%), Bavistin 50FL (0,1%),...

Nguồn: Giáo trình bệnh cây chuyên khoa