-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Một Số Loại Bệnh Trên Cây Ngô
I. Bệnh Gỉ Sắt:
Bệnh gỉ sắt phổ biến khắp các vùng trồng ngô. Nhưng nếu xuất hiện vào thời kỳ cuối sinh trưởng thì tác hại ít. Một số trường hợp nếu kỹ thuật chăm sóc thâm canh kém mà bệnh lại phát sinh sớm, phá hại mạnh thì có thể làm ngô lụi tàn sớm, sinh trưởng kém, bắp nhỏ, hạt nhẹ và năng suất có thể giảm tới 20%.
1. Triệu chứng:
+ Bệnh hại chủ yếu ở phiến lá, có khi ở bẹ và áo bắp.
+ Vết bệnh lúc đầu rất nhỏ, chỉ là một chấm vàng trong, xếp không có trật tự, khó phát hiện, nhưng về sau to dần, vết vàng nhạt tạo ra các đốm nổi (1mm), tế bào biểu bì nứt vỡ, chứa một khối bột màu nâu đỏ, vàng gạch non, đó là giai đoạn hình thành ổ bào tử hạ.
+ Đến cuối giai đoạn sinh trưởng của ngô, trên lá bệnh có thể xuất hiện một số vết bệnh là những ổ nổi màu đen, đó là giai đoạn hình thành các ổ bào tử đông. Vết bệnh thường dày đặc trên phiến lá dễ làm lá khô cháy.
2. Nguyên nhân gây bệnh:
+ Bệnh gỉ sắt do nấm Puccinia maydis Ber gây ra thuộc bộ Uredinales lớp Nấm Đảm. Trên cây ngô nấm phát triển hai giai đoạn chính: bào tử hạ và bào tử đông. Trong một số trường hợp giai đoạn bào tử xuân hình thành trên cây chua me đất (Oxalis), thường là loài P.polysora.
+ Bào tử hạ đơn bào, hình cầu hoặc bầu dục, màu vàng nâu, có vỏ dày gợn gai nhỏ.
+ Bào tử đông thon dài, 2 tế bào, vỏ dày có màu nâu, có cuống dài màu nâu.
+ Ở nước ta, sự lây lan và bảo tồn nguồn bệnh bằng bào tử hạ. Một phần nguồn bệnh còn là bào tử đông và sợi nấm trong tàn dư.
+ Bào tử hạ có thể tồn tại lâu dài trên tàn dư lá bệnh ở ruộng và trên hạt qua năm. Bào tử hạ nảy mầm ở nhiệt độ 14 - 320C, nhưng thích hợp nhất là 17 - 180C trong điều kiện có ẩm độ bão hoà. Sau khi xâm nhập khoảng một tuần lễ có thể xuất hiện vết bệnh với ổ bào tử hạ mới, từ đó lại lây lan rộng ra nhiêu đợt kế tiếp trong thời kỳ sinh trưởng của cây.
3. Đặc điểm phát sinh phát triển
+ Bệnh phát triển mạnh trong điều kiện thời tiết ôn hoà, nhiệt độ trung bình, có mưa. Các giống ngô đường, ngô nếp thường bị bệnh nặng hơn các giống ngô đá, ngô răng ngựa. Một vài giống nhập nội có thể ít bị bệnh hơn những giống địa phương.
4. Biện pháp phòng trừ
+ Cần dọn sạch tàn dư lá bệnh, cày bừa kỹ để tiêu diệt nguồn bệnh ở đất và xử lý hạt giống bằng TMTD 3 kg/tấn, Bayphidan 10 - 15g.a.i/1 tạ hạt để tiêu diệt bào tử hạ bám dính trên hạt khi thu hoạch.
+ Tăng cường các biện pháp thâm canh kỹ thuật để cây sinh trưởng tốt, tăng sức chống bệnh và hạn chế tác hại do bệnh gây ra.
+ Khi bệnh xuất hiện sớm lúc ngô 5 - 6 lá, mà bệnh đốm lá cũng đồng thời xuất hiện cùng phá hại thì có thể phun thuốc...
II. Bệnh Phấn Đen Ngô:
Bệnh phấn đen ngô là một bệnh phổ biến ở các nước trên thế giới và gây tác hại lớn, nhưng ở nước ta trước đây và hiện nay ít phổ biến hơn và thường phá hại trên một số giống ngô nhập nội hoặc một vài giống trồng ở miền núi, vùng Tây Bắc. Bệnh đang có xu thế phát triển rộng hơn ở các vùng nên cần chú ý có biện pháp cần thiết ngăn chặn không cho bệnh lan tràn rộng.
1. Triệu chứng bệnh ung thư ngô (Ustilago zeae Ung)
+ Bệnh phấn đen (ung thư ngô) phá hại trên tất cả các bộ phận của cây ngô: thân, lá, bẹ lá, cờ, bắp, thậm chí có khi hại cả rễ khí sinh trên mặt đất. Đặc trưng điển hình của vết bệnh là tạo thành các u sưng nên còn gọi là ung thư ngô (Ustilago zeae Ung).
+ U sưng to hoặc nhỏ, lúc đầu chỉ sùi lên như một bọc nhỏ màu trắng, nhẫn, lớn dần thành hình bất định, phình to nhiều khía cạnh, màng trắng, bên trong là một khối rắn vàng trắng sau biến thành bột đen dễ bóp vỡ, đó là khối bào tử hậu. U sưng ở thân và bắp thường rất to, còn ở lá thì u nhỏ hơn. Ở trên ruộng các u sưng thường xuất hiện đầu tiên trên bẹ lá, sau còn ở lá thì u nhỏ hơn, sau xuất hiện thêm nhiều ở lá, thân, bông cờ và bắp. Bộ phận bị bệnh dễ thối hỏng, răn rúm, dị dạng.
2. Nguyên nhân gây bệnh ung thư ngô (Ustilago zeae Ung)
+ Nấm gây bệnh Ustilago zeae Ung. thuộc bộ Ustilaginales lớp Nấm Đảm. U bệnh khi đã thuần thục bên trong chứa một khối lớn sợi nấm đã biến thành bào tử hậu.
+ Bào tử hậu hình cầu, màu hơi vàng, có gai, vỏ dày, đường kính khoảng 8 - 13 micromet. Trên đồng ruộng, các u sưng vỡ tung ra các bào tử hậu và trở thành nguồn lây lan trên các bộ phận non khác của cây.
+ Bào tử hậu nẩy mầm sinh ra ống mầm (đảm) với các bào tử đảm, có khi bào tử đảm phân chồi tạo thêm bào tử thứ sinh. Bào tử hậu nảy mầm trong giọt nước ở nhiệt độ thích hợp nhất là 23 - 250C, nảy mầm chậm ở nhiệt độ 15 - 180C.
+ Bào tử đảm và bào tử thứ sinh nảy mầm xâm nhập qua biểu bì mô non tạo ra sợi nấm sơ sinh tế bào một nhân, về sau phát triển kết hợp với nhau thành sợi thứ sinh hai nhân, từ đó phát triển tạo thành khối bào tử hậu. Trong thời kỳ sinh trưởng của cây, sự hình thành bào tử hậu có thể xảy ra 3 - 4 đợt hoặc nhiều hơn.
+ Bào tử hậu có thể sống được rất lâu trong điều kiện tự nhiên, thông thường có thể bảo tồn được 3 - 4 năm, thậm chí tới 6 - 7 năm trong các tàn dư cây bệnh, trên các u vết bệnh rơi trên đất ruộng. Bào tử hậu vẫn còn sống trong phân do trâu bò ăn bộ phận cây bị bệnh thải ra. Do đó bào tử hậu ở u vết bệnh, trên đất, bám dính trên hạt giống đều là nguồn bệnh đầu tiên truyền từ năm này sang năm khác. Nấm bệnh thường xuyên lan qua gió, nước tưới, xâm nhập vào biểu bì qua vết thương sây sát. Do đó bệnh có thể phát triển mạnh vào thời kỳ mưa gió, hoặc sau khi vun xới vội vàng gây sây sát. Sâu hại lá, thân, phá hại nhiều là điều kiện giúp cho bệnh xâm nhiễm phát triển thêm nhiều hơn. Bệnh phát sinh, phát triển còn liên quan tới độ ẩm của đất. Nói chung đất có độ ẩm 60% thích hợp cho ngô thì bệnh ít phát triển hơn so với đất có độ ẩm thay đổi thất thường khi quá khô (<10%) hoặc khi quá ẩm (>80%). Bệnh cũng phát triển nhiều hơn ở những ruộng ngô trồng dày, bón nhiều đạm vô cơ.
3. Biện pháp phòng trừ bệnh ung thư ngô (Ustilago zeae Ung)
+ Thu dọn sạch các bộ phận cây bị bệnh trên đồng ruộng. Làm vệ sinh sạch sẽ ruộng ngô, nhất là ở những vùng đã bị bệnh nhiều năm để tiêu huỷ nguồn bệnh ở dạng bào tử hậu trong các u vết bệnh trên lá, thân, bắp. Sau đó cày bừa kỹ đất. Ngâm nước hoặc để đất ướt cho bào tử chóng mất sức nảy mầm.
+ Hạt để giống lấy ở ruộng không bị bệnh, ở các ruộng ngô để giống nếu chớm có bệnh cần sớm ngắt bỏ các bộ phận có u sưng chưa vỡ ra đem đốt, rồi phun dung dịch 1 - 2% TMTD hoặc một số thuốc như Bayleton 25WP (0,4 - 0,5kg/ha); Dithan M45,80 WP (1,5 - 2kg/ha); Score 250ND (0,3 - 0,5 l/ha)… 7 - 10 ngày trước và sau khi trỗ cờ. Phun thuốc phòng trừ sâu hại lá, thân, bắp.
+ Hạt giống xử lý bằng Bayphidan 10 - 15g.a.i/tạ hạt hoặc, TMTD 0,3kg/tạ hạt.
+ Tiến hành luân canh ngô với các loại cây trồng khác (lúa), thời gian tối thiểu 2 năm mới trồng lại ngô. Đồng thời chọn lọc trồng các giống tương đối chống bệnh. Tăng cường chăm sóc, bón thúc kali, xới vun cẩn thận tránh gây sây sát đến cây.
+ Thực hiện biện pháp kiểm dịch chặt chẽ. Bệnh phấn đen ngô trước đây ở nước ta đã được coi là một đối tượng kiểm dịch. Đối với các giống ngô nhập nội cần kiểm tra nguồn bệnh trên hạt, không nhập hoặc phải khử trùng triệt để hạt giống, trồng trong khu vực quy định để tiếp tục kiểm tra và phòng diệt bệnh. Việc trao đổi chuyển vận hạt giống cần tuân theo các thủ tục kiểm dịch. Các giống ngô mới trồng ở nước ta đều bị bệnh nặng hơn các giống địa phương cũ cho nên cần quản lý giống theo vùng, bao vây tiêu diệt, ngăn chặn bệnh lan tràn rộng.
Nguồn: Cam nang cay trong.
Các tin khác
- CÔNG DỤNG CỦA OLIGO CHITOSAN
- Phát triển nông nghiệp, nông thôn 2021-2025: Chuyển mạnh sang kinh tế nông nghiệp
- Nông Nghiệp Hữu Cơ - là câu chuyện của những người làm nông nghiệp tử tế
- 10 Lợi Ích Không Ngờ Đến Từ Canh Tác Hữu Cơ
- Nông nghiệp "đa giá trị"
- SỬ DỤNG RONG BIỂN TRONG NÔNG NGHIỆP
- BÍ MẬT CHIẾT XUẤT TẢO BIỂN DÙNG TRONG NÔNG NGHIỆP