Mở rộng sản xuất nông nghiệp hữu cơ - Bài 1

Phát triển nông nghiệp hữu cơ (NNHC) nhằm tạo ra nông sản an toàn, có giá trị dinh dưỡng cao, mang lại lợi ích đối với sức khỏe con người, góp phần cải tạo, bảo vệ  môi trường và phát triển bền vững nền kinh tế… Ðây là chủ trương lớn, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và phát huy tiềm năng thế mạnh của các vùng, miền và địa phương trên cả nước.

 

Bài 1: Xây dựng thương hiệu cho nông sản hữu cơ

Ðề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 6-2020. Sau gần một năm thực hiện, tại các địa phương đã xuất hiện nhiều mô hình NNHC hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, cũng đã cho thấy những hạn chế, bất cập nhất là trong việc xây dựng thương hiệu nông sản, cần sự chung tay của các cơ quan có trách nhiệm và cộng đồng xã hội.

Những mô hình hiệu quả

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT),  hiện  nhiều địa phương đã tham gia sản xuất NNHC. Mặc dù đi sau so với nhiều quốc gia trên thế giới về các sản phẩm hữu cơ, nhưng sự nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và  nông dân, đã đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia tham gia sản xuất NNHC. Riêng trong lĩnh vực  trồng trọt, hiện cả nước  có hàng trăm cơ sở sản xuất NNHC. Bến Tre hiện là tỉnh có diện tích trồng trọt hữu cơ nhiều nhất nước với hơn 3.000 ha, trong đó chủ yếu là diện tích trồng dừa hữu cơ. Ninh Thuận là tỉnh có diện tích trồng trọt theo hướng hữu cơ nhiều nhất khu vực Nam Trung Bộ với gần 500 ha cây ăn trái như nho, táo, trong đó riêng diện tích trồng nho theo hướng hữu cơ 285 ha. Bên cạnh đó, hiện đã có một số địa phương sản xuất NNHC được tổ chức nước ngoài chứng nhận như: Lào Cai, Hà Giang (tổ chức chứng nhận ATC của Thái-lan; tiêu chuẩn EU, USDA của Mỹ); Cà Mau, Lâm Ðồng (tổ chức chứng nhận Control Union của Hà Lan, tiêu chuẩn EU, USDA). Diện tích đã được các tổ chức nước ngoài chứng nhận trong cả nước đến nay là gần 1.000 ha.

Huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình hiện có tổng diện tích sản xuất NNHC  hơn 20,62 ha, trong đó, diện tích được cấp PGS (chứng nhận bảo đảm sản phẩm được sản xuất theo đúng quy định của sản xuất hữu cơ Việt Nam) 17,85 ha; diện tích đang trong thời gian chuyển đổi 2,76 ha. Toàn huyện hiện có sáu hợp tác xã và tám tổ, nhóm sản xuất NNHC, canh tác trồng rau an toàn cung cấp rau xanh cho địa phương và thành phố Hà Nội. Nhờ liên kết tốt với các doanh nghiệp nên sản phẩm NNHC của nông dân được tiêu thụ tốt, thu nhập bình quân từ 15 đến 20 triệu đồng/người/tháng. Phát triển theo hướng NNHC với mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn cho người sản xuất và sử dụng, bảo vệ môi trường, Công ty TNHH hai thành viên Sông Bôi Thăng Long, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình, sau nhiều năm chọn lọc, nghiên cứu, đã sản xuất thành công giống chè mới LDP1. Ðây là giống chè có ưu điểm nổi trội phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, khả năng sinh trưởng mạnh, năng suất cao, chất lượng tốt. Ðể nâng cao sản lượng chè, người trồng phải điều hòa độ phì nhiêu của đất  cung cấp dinh dưỡng cho cây bằng phương pháp tổng hợp, chủ yếu  dùng phân bón hữu cơ như phân mùn, phân chuồng, cây phân xanh họ đậu. Sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp kết quả thử nghiệm công nhận sản phẩm bảo đảm các tiêu chuẩn sản phẩm sạch theo quy định, cuối năm 2020, công ty này đã công bố chất lượng sản phẩm chè Sông Bôi bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và cam kết thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về tính pháp lý của hồ sơ công bố.

Công ty TNHH Ðầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao VinEco (thuộc Tập đoàn Vingroup) đã tập trung đầu tư các nông trường được triển khai theo hướng cơ giới hóa trên quy mô lớn, ứng dụng sự thành công vượt trội của nền nông nghiệp hiện đại trong hệ thống sản xuất nông nghiệp. Ðến nay, doanh nghiệp này đã phát triển hàng chục nông trường với gần 3.000 ha trên cả nước áp dụng đa dạng các công nghệ canh tác hiện đại, thông minh như nhà kính điều khiển khí hậu (Pháp), canh tác nhiều tầng (Xin-ga-po), công nghệ sản xuất nhà màng và tưới thông minh (I-xra-en)… Ngoài rau trong nhà màng, nhà kính, VinEco cũng triển khai các mô hình canh tác ngoài đồng ruộng, sử dụng phân bón hữu cơ nhằm phát huy lợi thế của hình thức này trong việc canh tác các loại nông sản truyền thống. Hiện sản phẩm nông sản của doanh nghiệp đã có mặt tại nhiều siêu thị trên cả nước, được người tiêu dùng đón nhận.

 Theo mô hình sản xuất phân bón và nuôi trồng hữu cơ, Công ty TNHH Lucavi (Bắc Ninh) cũng xây dựng hệ thống nông nghiệp khép kín bao gồm canh tác lúa, nuôi cá, vịt và trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ và hữu cơ sinh thái. Hiện sản phẩm của doanh nghiệp có mặt tại nhiều cơ sở tiêu thụ trong nước và đang hướng tới xuất khẩu các sản phẩm nông sản hữu cơ.

Với tiềm năng, và lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, huyện Mộc Châu (Sơn La) đã xây dựng được thương hiệu một số loại nông sản có giá trị, bảo đảm an toàn, được người tiêu dùng cả nước tin dùng. Nhiều mô hình nông nghiệp hữu cơ áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, tạo ra các sản phẩm có chất lượng tốt, được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, nâng cao giá trị kinh tế cho nông dân và doanh nghiệp. Theo thống kê, toàn huyện hiện có khoảng 300 ha đất nông nghiệp sản xuất theo quy trình VietGAP và GlobalGAP. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ gia đình ứng dụng nông nghiệp hữu cơ, áp dụng công nghệ trong sản xuất đều đạt năng suất cao, chất lượng tốt, môi trường an toàn, bảo đảm sức khỏe cho người. Các sản phẩm nông nghiệp của địa phương được xuất khẩu sang thị trường nhiều nước trên thế giới. Anh Nguyễn Văn Hải, một nông dân ở Bản Áng, xã Ðông Sang, Mộc Châu hiện đang sở hữu hơn hai héc-ta cây ăn quả, chè, rau xanh các loại cho biết, nhờ sử dụng hoàn toàn bằng phân bón hữu cơ nên chất lượng nông sản của hộ gia đình anh ngày càng nâng cao. Việc trồng cây theo quy trình xen canh kết hợp sử dụng phân bón hữu cơ, bằng cách ủ phân xanh, phân chuồng, tận dụng cây cỏ sau khi làm vệ sinh vườn tược, để bón trở lại cho cây trồng nên vừa giữ được độ màu mỡ, độ bền của đất, vừa bảo vệ tốt môi trường và tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn, năng suất cao. Cũng tại huyện Mộc Châu, hiện có rất nhiều cá nhân làm nông nghiệp theo mô hình sản xuất hữu cơ, không những làm giàu bền vững, ổn định cho gia đình mà còn góp phần xây dựng thương hiệu nông sản an toàn chung cho toàn vùng…

Ðẩy mạnh xây dựng thương hiệu

Theo các chuyên gia nông nghiệp, trước đây, do quá chú trọng tới năng suất nên ngành nông nghiệp đã sử dụng nhiều phân bón hóa học, thuốc trừ sâu để tăng năng suất, bảo vệ cây trồng. Sau một thời gian, đất bị ô nhiễm, tích tụ lượng độc hại cho sản phẩm nông nghiệp. Ðến nay, Việt Nam đã sản xuất bảo đảm an ninh lương thực trên cả nước và xuất khẩu ra thế giới. Do yêu cầu thị trường về chất lượng nông sản và bảo vệ môi trường sống bền vững, ngành nông nghiệp đã chuyển sang sản xuất theo nông nghiệp giá trị, đòi hỏi chất lượng cao, hạn chế tới mức thấp nhất tồn dư hóa chất cũng như các chất gây hại trong sản phẩm nông nghiệp.

Ðể khẳng định chất lượng  nông sản, đến nay nhiều tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ đã  đầu tư khoa học công nghệ, tiền vốn, trong đó chú trọng xây dựng thương hiệu, bảo đảm uy tín trên thị trường. Năm 2017, lần đầu  Bộ NN và PTNT công bố hai trang trại của hai doanh nghiệp Vinamilk và TH True Milk đã đạt tiêu chí hữu cơ theo tiêu chuẩn của các tổ chức quốc tế. Theo Thứ trưởng NN và PTNT Trần Thanh Nam, các trang trại chăn nuôi bò sữa hữu cơ quy mô lớn đạt tiêu chí hữu cơ theo các tiêu chuẩn quốc tế là trang trại bò sữa hữu cơ của Công ty Vinamilk tại tỉnh Lâm Ðồng có tổng đàn 500 con bò sữa hữu cơ nhập từ Mỹ và trang trại bò sữa hữu cơ của TH True Milk với tổng đàn  hơn 3.000 con tại tỉnh Nghệ An. Các doanh nghiệp này đưa các sản phẩm ra thị trường gắn nhãn hữu cơ dựa trên những tiêu chuẩn theo quy định quốc tế. Cùng với hai trang trại bò sữa của các doanh nghiệp nêu trên, hiện nay cả nước đã có nhiều cơ sở sản xuất nông nghiệp hữu cơ với các sản phẩm nông sản đã được các tổ chức quốc tế chứng nhận và xuất khẩu thành công sang các thị trường lớn như EU, Mỹ, Trung Quốc. Trong đó có Công ty Viễn Phú sản xuất lúa gạo và rau hữu cơ; Công ty Organic Ðà Lạt sản xuất rau hữu cơ; Công ty Ecolink và Công ty Hùng Cường xây dựng hệ thống công nhận quốc tế (ICS) dựa trên mạng lưới sản xuất nông hộ chè hữu cơ giống shan tuyết tại tỉnh Lào Cai và Hà Giang. Bên cạnh các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp hữu cơ, trên cả nước hiện đã xuất hiện nhiều hộ gia đình tham gia sản xuất, kinh doanh theo mô hình này một cách ổn định, bền vững.

Sản xuất NNHC tại Việt Nam trong những năm gần đây đã phát triển mạnh mẽ nhất là trong nghiên cứu, triển khai  ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất và chế biến nông sản. Tuy vậy, nông sản của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước vẫn kém cạnh tranh về chất lượng, mẫu mã, nhiều loại sản phẩm chưa đạt yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm. Sản xuất NNHC hiện tại vẫn chủ yếu dừng lại ở quy mô và phạm vi nhỏ. Mặt khác, các cơ quan quản lý nhà nước hiện vẫn chưa xây dựng hoàn thiện hệ thống các tiêu chuẩn quốc gia và khung pháp lý cho sản xuất, chứng nhận và giám sát chất lượng sản phẩm NNHC. Trên thực tế,  hiện nay, người tiêu dùng khó có thể phân biệt được đâu là sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm và đâu là sản phẩm không an toàn. Sự chưa minh bạch của sản phẩm không an toàn gây ảnh hưởng cuộc sống của con người. Các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam hầu như vẫn chưa được kiểm soát tốt về dư lượng hóa chất, do đó các nông sản, thực phẩm tự bản thân nó cũng đang bị mất dần thị trường cao cấp. Trong tình hình đó, việc phát triển mang tính hệ thống, ổn định và bền vững đi đôi với xây dựng các sản phẩm mang thương hiệu nông nghiệp hữu cơ là rất cần thiết.

Ðể thúc đẩy sự phát triển ổn định và bền vững của NNHC, Chính phủ đã ban hành Nghị định 109/2018/NÐ-CP về NNHC Việt Nam; Bộ Khoa học và Công nghệ  đã ban hành bộ tiêu chuẩn Việt Nam mới về lĩnh vực này. Theo đánh giá của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN và PTNT), mặc dù còn phát triển ở mức độ thấp, nhưng đến nay một số sản phẩm hữu cơ Việt Nam đã có thương hiệu và đã có mặt ở nhiều thị trường cao cấp như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU… Những thành tựu này đạt được một phần là nhờ vào sự tiến bộ của nông dân, đồng thời là tâm huyết lớn của các doanh nghiệp. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp trong nước đón đầu và tiên phong trong việc áp dụng công nghệ sản xuất mới, vận động nông dân tham gia sản xuất sản phẩm để nâng cao chất lượng, giá trị thương hiệu của sản phẩm NNHC. Cùng với đó, sản phẩm hữu cơ ngày càng phong phú và đa dạng. Ngoài cây trồng còn phát triển mạnh về chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản hữu cơ, tạo ra những sản phẩm chất lượng và có giá trị cao đáp ứng tiêu dùng và xuất khẩu. Số lượng các địa phương tham gia sản xuất hữu cơ và số lượng mô hình sản xuất NNHC tăng nhanh, vừa cung cấp sản phẩm cho thị trường, vừa góp phần đào tạo, truyền thông về kỹ thuật NNHC cho cả nước. NNHC thu hút được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành và nhân dân, nhu cầu của cộng đồng xã hội tìm đến các sản phẩm hữu cơ tăng nhanh. NNHC Việt Nam đã kết nối với các tổ chức quốc tế quan trọng như: Liên đoàn các phong trào nông nghiệp hữu cơ quốc tế (IFOAM); Liên đoàn các phong trào nông nghiệp hữu cơ châu Á (IFOAM Asia); Tổ chức chính quyền địa phương với nông nghiệp hữu cơ

Nguồn: https://nhandan.vn

Ðến nay, cả nước có khoảng 240 nghìn ha  canh tác hữu cơ, với sự tham gia của gần 20 nghìn lao động tại 46 tỉnh, thành phố. Bên cạnh đó, có khoảng 160  doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh NNHC  với kim ngạch xuất khẩu hằng năm đạt khoảng 335 triệu USD. Sản phẩm NNHC Việt Nam đang được tiêu thụ trong nước và đã xuất khẩu tới nhiều nước trên thế giới, trong đó có những thị trường khó tính như: Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc...

(Nguồn: Bộ NN và PTNT)