Cằn mía gốc (RSD) - Leifsonia xyli subsp. xyli Davis

Triệu chứng của bệnh cằn mía gốc Leifsonia xyli subsp. xyli Davis

+ Triệu chứng bên ngoài: Hầu như không có triệu chứng bên ngoài có thể nhận ra được từ cây mía bị bệnh ngoại trừ sự cằn cọc và phát triển kém của cây. Tuy nhiên những đặc điểm trên đều có thể thấy được ở những vùng đất trồng kém dinh dưỡng, độ ẩm không thích hợp hay cây bị thiếu dinh dưỡng. Về sự phát triển của chồi thì cây bị bệnh phát triển chậm hơn cây sạch bệnh đặc biệt là trong mùa khô khi mà các gốc mía dường như không phát triển trong vài tuần hay cả khi cả tháng. Những gốc mía này thường rất khỏe và không có sự bất thường nào ở hệ thống rễ cũng như ở thân hay chồi ở dưới đất. Sự cằn cỗi biểu hiện không đồng nhất giữa các chồi nhiễm bệnh và ruộng nhiễm bệnh biểu hiện cả sự đi lên và đi xuống của sự phát triển, ngay cả khi tất cả các cây đều bị nhiễm bệnh.

+ Triệu chứng bên trong cây: Khi chẻ đôi thân cây bị nhiễm bệnh bằng một con dao sắc thì sẽ thấy ở phần dưới các mắt mía có những chấm đổi màu hình dấu chấm hay dấu phẩy. Sự đổi màu thường diễn ra từ đốt dưới rồi mới lên đến các nốt bên trên, thường định vị ở những vùng dưới bẹ lá ngay tại vị trí của nơi xuất dịch cây. Trong vùng này là nơi phát sinh ra lá và các nhánh của các bó mạch. Sự đổi màu do RSD không diễn ra ở phẩn giữa đốt. Màu của mô nhiễm bệnh khác nhau về mức độ đậm nhạt và cường độ phụ thuộc vào mức độ nhiễm bệnh và các giống mía khác nhau và nó cũng có thể khác nhau bên trong các giống. Một vài giống thì không biểu hiện các triệu chứng này. Các vùng bị biến đổi màu này rất đa dạng có thể là màu vàng, cam, hồng, đỏ và hơi đỏ nâu và những màu này thường nổi bật lên trên trên nền màu trắng sáng của mô tế bào. Có trường hợp bệnh tạo ra những vết đổi màu kem, khó có thể phân biệt trong toàn bộ đốt khi so sánh với mô của cây khỏe mạnh. Nhưng khi các vệt này xuất hiện tại một nốt mà nốt kế cận lại không biểu hiện thì vẫn không chắc là nó có bị bệnh cằn mía gốc hay không. Để chẩn đoán chính xác, thì các vệt đổi màu phải xuất hiện trên tất cả các nốt của cây. Triệu chứng của RSD trên chồi mía 1 - 2 tháng tuổi là sự chuyển hồng tại các đốt còn non, nhưng nó diễn ra chỉ trong vài dòng mía và dưới những điều kiện canh tác khác nhau. Sự đổi màu diễn ra và khuyếch tán từ nốt lên 1 - 2 cm đến đỉnh sinh trưởng của nốt kết cận. Phần đầu của đỉnh sinh trưởng không liên kết với RSD. Những triệu chứng ban đầu được thấy rõ nhất khi cắt các chồi non theo chiều dọc.

Tác nhân của bệnh cằn mía gốc: Do vi khuấn Leifsonia xyli subsp. xyli Davis

Nguồn gốc và phân bố của bệnh cằn mía gốc Leifsonia xyli subsp. xyli Davis

Bệnh cằn mía gốc hiện nay được xếp vào loại bệnh có tầm quan trọng kinh tế lớn trên thế giới. Nguyên nhân là do sự phân bố rộng khắp của nó trên thế giới, sự thiếu các triệu chứng có thể nhận diện được ở cây kí chủ, thiếu các đặc tính của tác nhân gây bệnh, sự nghiên cứu về bệnh và những chiến lược cần thiết để kiểm soát bệnh có hiệu quả. Do vậy, bệnh cằn mía gốc hiện đang là một trong những bệnh đang gây hậu quả nghiêm trọng cho các vùng trồng mía trên thế giới. 

Sự lan truyền của bệnh cằn mía gốc Leifsonia xyli subsp. xyli Davis

Nguồn bệnh chủ yếu tổn tại trên cây mía trong điều kiện tự nhiên, không có vector truyền bệnh. Bệnh có thể lan truyền cơ giới thông qua các dụng cụ thu hoạch và canh tác mía, cũng như qua hom, nhưng không lan truyền qua hạt. Bào tử vi khuẩn gây bệnh có thể tồn tại trong đất và tàn dư cây bệnh trong vài tháng, khi gặp điều kiện thuận lợi sẽ xâm nhiễm và gây bệnh cho các vu mía tiếp theo. 

Biện pháp phòng trừ của bệnh cằn mía gốc Leifsonia xyli subsp. xyli Davis

+ Xử lý hom bằng hơi nước nóng 54oC trong 7 giờ.

+ Xử lý kép: Chặt giống từ 1 – 5 ngày trước khi xử lý, xử lý bằng nước nóng 50oC trong 10 phút, sau đó vớt ra và đến ngày hôm sau xử lý lại bằng nước nóng 50oC trong 2 – 3 giờ.

Mía nguyên liệu dùng để làm giống cần xử lý các dụng cụ thu hoạch như xử lý bằng cồn 70%. Mía đẻ lưu gốc cũng cần xử lý các dụng cụ như trên.

Nguồn: Sổ tay QL dịch hại tổng hợp trên cây mía - CTy CP đường Biên Hòa