-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Một Số Bệnh Trên Cây Nho
I. Bệnh mốc sương trên cây nho - Plasmopara viticola:
1.. Bệnh mốc sương
1.1. Triệu chứng của bệnh mốc sương trên nho
- Nấm chủ yếu tấn công vào lá non và lá bánh tẻ.
- Triệu chứng đầu tiên là xuất hiện các vết màu vàng với kích thước và hình dáng không đồn đều, sau đó mọc lên các bào tử nấm màu trắng.
- Nấm còn tấn công cả vào hoa làm hoa bị tiêu hủy.
- Những quả bị bệnh nấm mốc sương gây ra có màu vàng hơi đỏ, bị chín ép và rụng mà ít được người trồng nho nhận thấy..
Triệu chứng bệnh mốc sương trên lá nho
Triệu chứng bệnh mốc sương trên trái nho
1.2. Nguyên nhân và điều kiện phát bệnh của bệnh mốc sương trên nho
- Bệnh suất hiện vào thời kỳ nho sinh trưởng mạnh về thân lá ở những vùng có khí hậu ấm và ẩm. Trong điều kiện thiếu mưa bệnh ít phát triển.
- Bệnh này do nấm Plasmopara viticola gây ra, nông dân ở vùng nho Ninh Thuận thường được gọi là bệnh nấm trắng, nấm lá hay nấm vàng.
- Bệnh phát sinh và gây hại nặng trong điều kiện thời tiết ẩm, mưa nhiều. Tại Ninh Thuận nho bị bệnh nấm mốc sương với tỉ lệ bệnh cao vào các tháng mùa mưa 9, 10, 11 và một số thời điểm có sương nhiều của vụ khô
1.3. Biện pháp phòng trừ
- Dung dịch Boócđô (sunfat đồng + vôi) 1% hoặc sunfat đồng 0,05 – 0,1% có thể được dùng để ngăn ngừa sự xâm nhập của bệnh. Đã trên 100 năm sử dụng, cho đến nay Boócđô vẫn được coi là một loại thuốc hữu hiệu để bảo vệ cây trồng.
- Tuy nhiên, nên thận trọng khi sử dụng các hợp chất có đồng vì dễ gây ra cháy lá và gây ngộ độc cho nho, tốt nhất là chỉ nên dùng vào cuối vụ khi quả lớn và lá đã già.
II. Bệnh phấn trắng hại nho - Powdery mildew:
1. Nguyên nhân và điều kiện phát bệnh phấn trắng
- Bệnh nấm trắng được người trồng nho ở Ninh Thuận gọi là bệnh nấm xám hay bột xám do nấm Uncinula necator gây ra. Bệnh xuất hiện đầu tiên ở Mỹ sau đó thấy có ở Anh. Ngày nay người ta thấy bệnh nấm trắng gây hại tất cả các vùng trồng nho trên thế giới, bao gồm cả các nước có khí hậu nhiệt đới.
- Nếu không được phòng trừ, bệnh sẽ làm giảm sinh trưởng của cây và giảm năng suất nho. Nấm này chỉ gây hại trên những loài cây thuộc họ nho Vitaceae. Đây cũng là một trong những bệnh khá phổ biến và nguy hiểm trên cây nho ở nước ta.
- Trong điều kiện ở Ninh Thuận, nấm phát triển hầu như quanh năm, trừ các tháng mưa lớn. Những giàn nho bị rợp và thiếu ánh sáng phù hợp cho sự phát sinh và lây lan của bệnh.
- Nấm bệnh có nguồn gốc ôn đới nên thời tiết lạnh của tháng 12 đến tháng 2 năm sau, trời nhiều mây âm u, nấm thường phát sinh và gây hại nặng.
2. Triệu chứng gây hại của bệnh phấn trắng trên cây nho
- Nấm tấn công vào các bộ phận như cành, lá bánh tẻ, lá già và quả.
- Trên cành và lá thấy xuất hiện các đốm mốc màu xám tro, trên quả có thể thấy rõ các vết màu trắng hơi xám của bào tử nấm, khi chùi lớp bào tử bên ngoài đi lộ rõ vết bệnh màu xám tro ở phía trong.
- Bệnh đặc biệt nghiêm trọng cho giai đoạn quả từ khi đậu được 5 – 7 ngày cho tới khi chín. Chúng làm nứt quả buộc phải tỉa bỏ, dẫn tới năng suất giảm.
Bệnh phấn trắng gây hại trên quả nho
3. Các biện pháp phòng trừ bệnh phấn trắng trên cây nho
Để phòng trừ bệnh này, ngoài việc sử dụng nước lưu huỳnh – vôi (canxi polisunfua) 0,05% - 0,1%. Có thể:
Sử dụng hàng loạt các loại thuốc lưu dẫn có khả năng phòng trừ bệnh trong thới gian dài từ 7 – 10 ngày như:
- Sumi-eight 12,5% liều lượng 0,3-0,5 kg/ha pha trong 500 – 800 lít nước.
- Topsin M 70% WP liều lượng 0,5-0,7 kg/ha
- Anvil 5 SC liều lượng 0,75 – 1,0 lít/ha
- Tilt 250 EC liều lượng 0,1 -0,2 lít/ha
- Bayfidan 250 EC, liều dùng 0,4 lít/ha, định kỳ phun 7 ngày/lần, phun vào giai đoạn cắt cành và ra lá non.
Một số loại thuốc khác có tác dụng rất tốt, không những trừ được nấm mà còn kích thích sự phát triển của cây làm quả nho lớn và bóng hơn đã được khảo nghiệm đó là: Score 250 ND với liều lượng 0,1 – 0,15 lít/ha và Tilt super 300 ND 0,1 – 0,2 lít/ha.
III. Bệnh rỉ sắt hại nho - Kuehneola vitis:
1. Triệu chứng gây hại đối với cây nho
- Nấm chủ yếu gây hại trên lá bánh tẻ và lá già, chính vì thế mà thường thấy nấm xuất hiện vào cuối vụ. Trong các tháng mưa nhiều (tháng 9, 10 và 11) nấm có thề làm tàn lụi giàn lá trước khi cắt cành. Việc giảm diện tích quang hợp đã ảnh hưởng đến năng suất vụ tới.
2. Nguyên nhân và điều kiện phát bệnh của bệnh rỉ sắt
- Đây là bệnh nguy hiểm trên nho, chúng xuất hiện đầu tiên ở vùng nhiệt đới, sau lan sang các vùng nho ôn đới của Châu Á từ Srilanca, Ấn Độ, và bắc Java tới Triều Tiên và Nhật Bản. Ở các nước châu Mĩ thì từ Colombia, Venezuela và Trung Mỹ tới miền Florida và các bang khác của Mỹ. Bệnh hại nặng đặc biệt ở vùng châu Á và Trung Mỹ, nếu không được phòng trừ thì cây nho bị tàn lụi. Tác nhân gây bệnh do nhiều loài nấm, nhưng ở Việt Nam tác nhân gây bệnh được xác định là nấm Kuehneola vitis gây ra.
Triệu chứng của bệnh rỉ sắt gây hại trên lá nho
3. Biện pháp phòng trừ đối với bệnh rỉ sắt trên cây nho
Để phòng trừ có hiệu quả nên phun sớm ngay khi thấy có vết bệnh bằng một trong những loại thuốc sau:
- Anvil 5 SC liều lượng 1,0 – 1,2 lít/ha
- Score 250 ND liều lượng 0,15 – 0,2 lít/ha;
- Viben liều lượng 1,5 – 2,0 lít/ha.
IV. Bệnh nấm cuống - Trên cây nho:
1. Triệu chứng bệnh nấm cuống trên cây nho
- Bệnh này đang là mối đe dọa đối với người trồng nho.
- Bệnh này chủ yếu gây hại trên cuống trái, từ khi bắt đầu ra hoa đến khi trái lớn và chín. Bệnh hầu như không gây hại trên lá và trái như các bệnh sương mai, phấn trắng.
- Quan sát trên cuống chùm hoa hoặc cuống chùm trái sẽ thấy những vết màu nâu, lúc đầu hơi ướt, về sau làm khô teo một đoạn cuống, gây tắc mạch dẫn nước và dinh dưỡng.
- Tuỳ theo vết bệnh xuất hiện ở cuống lớn hay cuống nhánh, cuống nhỏ mà làm héo từng phần hay toàn bộ chùm hoa, chùm trái, làm giảm năng suất đáng kể.
- Ngoài ra, nấm bệnh còn tiếp tục phá hại cuống trái nho trong quá trình bảo quản và vận chuyển làm rụng và thối trái
2. Nguyên nhân và điều kiện phát bệnh nấm cuống trên nho
- Bệnh do nấm Diplodia và một số nấm khác gây ra mà triệu chứng tương tự nhau.
- Bệnh gây hại nặng vào tháng mưa nhiều và những tháng mùa khô trong điều kiện có sương nhiều.
3. Biện pháp phòng trừ bệnh nấm cuống
- Sử dụng các loại giống sạch bệnh để đưa vào trồng và sản xuất
- Đảm bảo mật độ trồng, khoảng cách trồng để đảm bảo độ thông thoáng
Hoặc có thể phòng trừ bằng một trong những loại thuốc sau:
- Bayfidan 250 EC, 0,4% lít/ha
- Curzate M8, 1kg/ha
- Topsin M 70 WP, liều lượng 0,5-0,7 kg/ha
- Ridomil MZ 72 BHN, liều lượng 2-3 kg/ha
Ngoài ra có thể phun CuSO4 (phèn xanh) 0,05-1%. Lưu ý thuốc có thể gây cháy lá, cần chú ý khi sử dụng.
Nguồn: Giáo trình Mô Đun quản lý dịch hại nho Bộ NN&PTNT
Các tin khác
- CÔNG DỤNG CỦA OLIGO CHITOSAN
- Phát triển nông nghiệp, nông thôn 2021-2025: Chuyển mạnh sang kinh tế nông nghiệp
- Nông Nghiệp Hữu Cơ - là câu chuyện của những người làm nông nghiệp tử tế
- 10 Lợi Ích Không Ngờ Đến Từ Canh Tác Hữu Cơ
- Nông nghiệp "đa giá trị"
- SỬ DỤNG RONG BIỂN TRONG NÔNG NGHIỆP
- BÍ MẬT CHIẾT XUẤT TẢO BIỂN DÙNG TRONG NÔNG NGHIỆP